(TBKTSG) – Giữa thập niên 1990, từ những khó khăn gặp phải trên thương trường, ông Võ Thanh Liêm đã tìm ra lối thoát từ mụn dừa, một phế phẩm trong sản xuất chỉ xơ dừa. Từ đó, con đường kinh doanh nhóm sản phẩm đất sạch, nông sản cao cấp và phân nhả chậm của Công ty Đất Sạch bắt đầu…
Đằng sau sự thành công
Đầu năm 2009, Công ty TNHH Nguồn Sinh Thái (Ecosoure) ở huyện Hóc Môn, TPHCM, chuyên sản xuất phân nhả chậm phục vụ ngành nông nghiệp chất lượng cao, đã được thành lập. Đây là công ty thứ ba sau Công ty TNHH Đất Sạch và Công ty cổ phần Đất Sạch Bến Tre, chuyên cung ứng nông sản chất lượng cao và đất sạch, do vợ chồng ông Võ Thanh Liêm và bà Cao Thị Mộng Hương sáng lập.
Để thành lập công ty thứ ba, bà Hương đã phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi lĩnh vực kinh doanh thời trang của mình để phụ chồng quản lý công ty mới. “Trong gia đình không có ai đi theo lĩnh vực thời trang nên tôi phải thuận theo xu hướng kinh doanh đất sạch của gia đình”, bà Hương giải thích.
Từ năm 2002, ông Liêm đã nghiên cứu và sản xuất thành công dòng phân nhả chậm. Tuy nhiên, khi sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng lại không đón nhận do chưa quen sử dụng. Ông Liêm kể: “Thời đó, khi tiếp cận với các nhà sản xuất cũng như nông dân để quảng bá phân nhả chậm, họ lắc đầu nguây nguẩy bảo rằng chỉ quen bón cây với phân nhả nhanh ủ từ phân chuồng, phân vô cơ”! Thấy cơ hội chưa đến, ông Liêm đành gác lại dự án sản xuất phân nhả chậm nhưng vẫn kỳ vọng một ngày nào đó thị trường sẽ thừa nhận sản phẩm này.
Ông Liêm vốn là kỹ sư hóa, tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp TPHCM vào đầu thập niên 1980. Khi bắt đầu khởi nghiệp, ông lại hứng thú với lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng. Đầu thập niên 1990, trong lúc đang hưng phấn với một hợp đồng lớn xuất khẩu ván ép cao cấp sang Đài Loan, ông Liêm gặp phải khó khăn lớn do chủ trương của Nhà nước cấm sử dụng gỗ rừng làm nguyên liệu sản xuất ván ép cao cấp. Đứng trước nguy cơ bị phá sản, để tồn tại, ông đã nhanh chóng tìm nguồn nguyên liệu khác để thay thế gỗ rừng. “Năm năm ròng rã, các loại bã mía, rơm, trấu, vỏ đậu phộng… tôi đều thử ép thành ván. Và tôi đã tìm ra cách ép ván từ mụn dừa và xơ dừa”, ông nhớ lại.
Đất sạch là loại đất trồng được sản xuất từ mụn dừa, qua quá trình xử lý công nghiệp, kết hợp vi sinh thành một loại đất trồng hữu cơ tơi xốp, thoáng khí, dễ thấm nước, giữ ẩm cao, không mang mầm bệnh, chứa nhiều vi sinh vật có lợi. Đất sạch có thể được nén dưới nhiều hình dạng nhằm thích hợp cho nhiều kiểu trồng, từ trang trại, sân vườn, cho đến nội thất. |
Qua nghiên cứu, ông Liêm phát hiện mụn dừa có nhiều ưu điểm hơn ván gỗ, có khả năng kháng nấm, mốc, mối mọt, đặc biệt ván ép cao cấp làm từ mụn dừa không hút nước, không bị rã khi ngâm trong nước, không bắt lửa. Thế nhưng sản phẩm mới này vẫn chưa được thị trường chấp nhận. “Giá của ván ép cao cấp mụn dừa, xơ dừa tuy rẻ hơn 20-25%, tính năng lại vượt trội so với tấm Okal, MDF nhập từ Thái Lan, Indonesia nhưng thị trường vẫn chuộng hàng ngoại. Cơ hội làm ăn vẫn chưa đến với tôi”, ông kể.
Thời gian này bà Hương chính là chỗ dựa cho gia đình, để ông có thể tập trung vào những công trình nghiên cứu về các tính năng khác của mụn dừa.
Một lần nọ, trong lúc ngồi trong phòng thí nghiệm ở quận Thủ Đức, TPHCM, bất chợt ông Liêm nhớ đến hình ảnh dây bầu xanh lá trồng trên gốc dừa mục ở vườn nhà cha mẹ ở Tiền Giang. Ông đã nảy ra ý tưởng kinh doanh đất trồng cây.
Tạm gác lại giấc mộng làm giàu từ ván ép cao cấp, ông Liêm chuyển sang vận dụng kết quả nghiên cứu từ mụn dừa làm đất trồng cây. “Cũng là mụn dừa nhưng nếu chưa xử lý hết chất chát, loại bỏ tạp chất và chưa bổ sung hệ vi sinh kháng bệnh, vi sinh hữu ích mà mang đi trồng cây thì cây sẽ chết. Hơn nữa, trong mụn dừa lại có chất diệt được mầm bệnh, mụn dừa còn là thức ăn của vi sinh, phù hợp với các loại vi sinh có lợi”, ông Liêm cho biết.
Thời gian đầu, đất sạch làm ra ông mang tặng bạn bè trồng hoa, cây kiểng. Kết quả là bộ rễ các loại hoa kiểng phát triển mạnh, cây tăng trưởng nhanh, lá xanh, hoa nở rộ hơn loại đất sử dụng trước đây nên họ khuyên ông tìm cách bán đất sạch ra thị trường.
Mở ra cơ hội mới
Năm 2001, ông Liêm đăng ký sáng chế độc quyền sản phẩm đất sạch với Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM và thành lập cơ sở Proco, chuyên sản xuất những sản phẩm từ xơ dừa, mụn dừa. Năm 2002, cơ sở Proco được chuyển thành Công ty TNHH Đất Sạch. Cũng trong năm 2002, công ty thành lập xưởng thực nghiệm sản phẩm đất sạch và đất sinh học rộng 2.000 mét vuông tại thị xã Bến Tre, với mục tiêu hướng tới chuỗi sản phẩm sinh thái, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn GAP.
Ông Liêm cho biết, mỗi dòng sản phẩm đất sạch sản xuất ra, công ty tổ chức thực nghiệm trong 3-6 tháng mới công bố ra thị trường, đáp ứng yêu cầu đất không bị nhiễm bệnh. Điều khá đặc biệt ở Đất Sạch là công ty có đội ngũ bán hàng là những kỹ sư nông nghiệp. Chính vì thế, khi tiếp xúc với khách hàng, họ có thể nắm bắt những thông tin phản hồi, giải đáp những thắc mắc của khách, hoặc khi gặp tình huống mới liên quan đến vấn đề về mầm bệnh mới phát sinh trên cây trồng, đội ngũ bán hàng sẽ có cơ hội nghiên cứu thêm.
Tiếng lành đồn xa, một số doanh nghiệp như Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty Công viên cây xanh TPHCM và các trang trại, vựa hoa kiểng từ miền Trung, Tây Nguyên trở vào đã tìm đến Đất Sạch đặt hàng.
Năm 2003, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Công ty Đất Sạch đã triển khai đề tài nâng cao giá trị của cây dừa và cách khắc phục những con sông bị ô nhiễm từ mụn dừa ở Bến Tre. “Để hàng chục tấn mụn dừa không bị đổ xuống sông mỗi ngày, biện pháp tốt nhất là tiêu thụ chúng và cách hợp lý nhất là sử dụng mụn dừa làm phân, làm đất”, ông Liêm nói.
Tháng 10-2006, Công ty cổ phần Đất Sạch Bến Tre được thành lập và đầu tư trên 4 tỉ đồng (giai đoạn 1) xây nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cây dừa tại khu công nghiệp An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, công ty còn xây nhà máy sản xuất đất dạng viên nén không có chất dinh dưỡng, đất sạch (đất trồng nông nghiệp hữu cơ kỹ thuật cao) và đất sinh học (chất trộn để cải thiện đất bạc màu) tại vùng nguyên liệu mụn dừa ở ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Nam. Ông Liêm cho biết mỗi khi thành lập một công ty mới, bao giờ ông cũng dự toán sẽ chịu lỗ trong ba năm đầu, thế nhưng điều đó đã không xảy ra. “Doanh thu trung bình của Công ty Đất Sạch Bến Tre khoảng 20 tỉ đồng/năm, đây là kết quả rất khả quan”, ông nói.
Không chỉ thiên về đất sạch, phân nhả chậm, hơn một năm trở lại đây, Đất Sạch còn trồng các loại rau hữu cơ kỹ thuật cao tại huyện Củ Chi (TPHCM) và Đà Lạt. Hiện sản phẩm nông nghiệp kỹ thuật cao của Đất Sạch đang có mặt tại cửa hàng VGFood trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, hệ thống các siêu thị. Thời gian gần đây, công ty cũng đang trình bốn dự án xin tài trợ. Đó là dựa án xử lý nước thải mụn dừa từ các doanh nghiệp chế biến dừa, chuyển giao quy trình canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao, hợp tác canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Việt Nam và châu Âu. và hợp tác sản xuất phân nhả chậm phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.
Trong năm 2009, bên cạnh việc hợp tác với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh phía Nam về công tác khuyến nông, Đất Sạch cũng hợp tác với các trang trại, doanh nghiệp về hạ tầng, quỹ đất, vốn đầu tư giai đoạn hai nhà máy tại khu công nghiệp An Hiệp sản xuất tấm panel, MFD… Từ nay đến cuối năm, Đất Sạch sẽ khảo sát để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu từ mụn dừa ở một tỉnh miền Trung, có thể là Bình Định hoặc Phú Yên, và Thanh Hóa”, ông Liêm cho biết. Hiện nay Đất Sạch đã xây dựng được hệ thống phân phối và chi nhánh tại 12 tỉnh, thành trên cả nước.
Công ty Đất Sạch hiện là thành viên Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam, một trong tám câu lạc bộ của Saigon Times Club.
từ khoa bài viết: