Cụm di tích đình-nghè-lăng tại thôn Đình Tổ (Đình Tổ, Thuận Thành) là công trình tín ngưỡng văn hóa tiêu biểu trong đời sống cộng đồng làng xã, nơi thờ phụng Thái sư Lê Văn Thịnh, người đã cống hiến trí tuệ và tài lực của mình cho đất nước. Thời gian qua, dù được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, trùng tu, tôn tạo nhiều lần, xong cụm di tích này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập trong khâu gìn giữ và bảo tồn.
Đình Đình Tổ được xây dựng từ thời Lê, là công trình nghệ thuật chạm khắc đẹp và đặc sắc, đạt tới trình độ điêu luyện, thể hiện ở các bức cốn trong đình với đề tài tứ linh, tứ quí như rồng ổ, rồng chầu… được chạm nổi công phu, nội dung phản ánh sự thờ phụng tôn nghiêm của dân làng với Thái sư Lê Văn Thịnh. Đình gồm các công trình: Nghi môn, sân đình, tòa đại đình.
Tòa đại đình kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian, 2 dĩ, có kích thước 19,9m x 11,4m, với 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang. Vì theo kiểu con chồng trụ giá chiêng. Các cột có chiều cao từ 3,15 đến 4m. Phía trước là cửa ván gỗ ghép, xung quanh có tường xây gạch bao quanh. Hậu cung được nối với tiền đường bằng hệ thống kẻ góc. Vì kèo hậu cung theo kiểu chồng rường, gồm hai hàng cột, diện tích hậu cung dài 8,5m, rộng 7,5m. Trên các bẩy hiên, đặc biệt là chiếc bảy ở gian giữa đình đều được trang trí rồng rất tỉ mỉ, công phu với thân hình to khỏe lực lưỡng, toàn thân được trang trí lớp vẩy đơn và hình mây lưỡi mác, mắt to tai thú, phía trên là các tố nữ đang xòe tay múa rất sinh động. Ngoài ra ở một số bức cốn còn được chạm khắc hình thù những con thú và hình mặt nửa người nửa thú. Các tác phẩm chạm khắc này đều tồn tại từ thế kỷ XVII, đều có một kết cấu, chủ đề riêng.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Thủ từ tại đình cho biết: Hiện trong hậu cung của đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ quí như: 11 đạo sắc phong, hương án, các đồ thờ bằng gốm… đặc biệt còn một khám thờ chạm khắc rất đẹp và tinh vi từ thời Lê (có kích thước dài 1,2m, rộng 0,86m, cao 1,56m), bên trong đặt chiếc ngai và bài vị Thái sư.
Lê Văn Thịnh, sinh năm Canh Dần (1050), thôn Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình) Năm 1075, ông đỗ đầu khoa thi Minh Kinh bác học (thời vua Lý Nhân Tông), sau được tôn làm Trạng nguyên khai khoa. Ông được bổ nhiệm chức Tả thị lang Bộ binh, kiêm việc dạy vua học.
Năm 1084, tại trại Vĩnh Bình thuộc biên giới Việt-Trung với tài năng ngoại giao của mình, ông đã buộc nhà Tống trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là vùng đất ở phía Tây Bắc của tỉnh Cao Bằng) về Đại Việt.
Năm 1085, Lê Văn Thịnh được vua Lý Nhân Tông thăng chức Thái sư.
Năm 1095, xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm “mưu giết vua”, ông bị đầy đi Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ), ông mất trên đường trở về quê tại thôn Điềng (Đình Tổ, Thuận Thành).
Trò chuyện với các vị bô lão của thôn, các cụ không khỏi bức xúc khi diện tích của đình bị lấn chiếm, cũng như tình trạng xuống cấp của ngôi đình… Ông Nguyễn Văn Soan, Phó Trưởng ban quản lý Di tích cho biết: Năm 1990 (lần trùng tu đầu tiên), trước sự xuống cấp của đình, nhân dân trong thôn đã phải chặt những cây xà cừ trồng trong diện tích của đình để lấy gỗ trùng tu, thay thế những cột, rui bị mối mọt. Năm 2001, đình được xếp hạng di tích Lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia. Đến năm 2003 được đầu tư 50 triệu đồng để trùng tu lần 2, nhưng hiện nay, hàng cột, kèo, vỉ, hoành phi câu đối của đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng… Chúng tôi phải dùng những thanh sắt để chốt cố định ở các đầu mối nhằm tránh tình trạng vỡ các mộng liên kết, gây nguy hiểm cho công trình, cho nhân dân. Ngoài ra, diện tích phía sau của đình đã bị một vài hộ dân lấn chiếm làm nhà ở, phá vỡ không gian, kiến trúc và sự tôn nghiêm của di tích”.
Cùng chung tình trạng với đình là nghè (địa điểm Lê Văn Thịnh mất) bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1950, phải đến năm 2012, nghè mới được xây mới trên nền đất cũ với tổng số vốn 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn dang dở, từ cổng, tường bao, đặc biệt gần như cả phần sau của nghè vẫn chưa được lấp kín, cỏ dại mọc um tùm. Khang trang, qui củ nhất trong cụm di tích là khu lăng mộ (nơi yên nghỉ của Thái sư). Năm 2013, được sự giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhân dân trong thôn đã dồn tâm sức xây mới lăng với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do nằm ở rìa làng, xung quang đều là ao, hồ, thùng, vũng nên đường vào lăng mộ là đường đất rất gập ghềnh, lầy lội.
Trước thực trạng đó, đề nghị các ngành chức năng xem xét, trùng tu nhằm gìn giữ, khôi phục những giá trị lịch sử-văn hóa của cụm di tích.
Đức Quý